Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Văn hóa thang máy - có phải là chuyện nhỏ?

van_hoa_thang_mayBản tin tháng này, BBT mạn phép đề cập tới một vấn đề rất giản dị và cũng được giới hạn ở phạm vi khá nhỏ: trong tòa nhà Ô B02 - trụ sở văn phòng của Tam Kim miền Bắc, chuyện cái thang máy. Tuy nhiên, liệu đó có thực sự là chuyện nhỏ?

Những điều mắt thấy, tai nghe

100% người được hỏi đều “lắc đầu lè lưỡi” khẳng định tình trạng quá tải thang máy ở đây vào giờ cao điểm - 17h30’. Chuyện chen lấn, xô đẩy; chuyện chờ thang 2, 3 chuyến mới tới lượt mình; thang máy dừng tại tất cả các tầng khiến việc đi từ tầng 1 tới tầng 6 có khi mất tới 7 - 10 phút; chuyện chấp nhận đi xuống rồi lại đi lên hay lấy tinh thần leo thang bộ… đó là chuyện “thường ngày ở huyện” đối với những ai có mặt tại văn phòng lúc 8h00 sáng và 17h30 chiều.

… Và hệ lụy

Ôi, nhiều lúc mọi người chen lấn hơi bị ác, chen bẹp cả người luôn, lúc đó thà chạy thang bộ một chút còn nhanh hơn (Hoàng Gia Xuân - PPR).

Khi chứng kiến cảnh này, cảm nhận đầu tiên của mọi người chắc chắn là… choáng! Choáng vì là tranh nhau như ngoài chợ, chen nhau như đứng như trên xe bus và hít thở như đang chạy việt dã. Nhiều người còn bấm giữ thang máy rất lâu để chờ người này, đợi người kia mà không biết rằng ở các tầng dưới, mọi người cũng đang rất sốt ruột đứng đợi.

Về tâm trạng thì có lẽ bất cứ ai nếu phải đợi lâu cũng sẽ cảm thấy sốt ruột. Nhiều người sẽ phải bắt đầu công việc muộn hơn hoặc tâm trạng không tốt thì làm việc có thể kém hiệu quả. (Phí Thị Nhường – Quảng cáo).

Có lần tôi đi thang máy, có một bạn nam rất ga lăng, nhường cho các chị em đi vào trước. Đến lượt bạn ấy vào thì overload. Trời thật phụ lòng người tốt! (Nguyễn Thị Hòa – Kế toán).

Đó có phải là chuyện nhỏ?

Không phải là chuyện nhỏ vì đó là vấn đề đầu tiên khi tới Công ty, nếu thấy bức xúc thì cả ngày khó mà thoải mái được. “Chuyện thang máy” thực ra lại là cả một câu chuyện về văn hóa Công ty. Cách giao tiếp, nói chuyện trong thang máy phần nào phản chiếu quan hệ đồng nghiệp, văn hóa ứng xử giữa các CBNV Tam Kim, trong khi đó đối tượng sử dụng thang máy có khi lại không chỉ là các CBNV mà có thể còn bao gồm cả khách hàng, hoặc đối tác… Đôi khi chỉ một lời nói vô ý, một hành vi ứng xử thiếu hòa nhã lại ảnh hưởng đến hình ảnh, đến văn hóa riêng mà Tam Kim đang cố gắng tạo dựng.

Văn hóa thang máy có thể gồm những hành vi rất nhỏ, nhưng thể hiện văn hóa của người sử dụng, chẳng hạn như nhấn nút giữ thang cho người đi cùng, mỉm cười nói đôi câu thăm hỏi nhỏ nhẹ với người bên cạnh, nhường thang cho phụ nữ mang thai… Rất vui là tôi bắt gặp những hành động đó khá thường xuyên mỗi khi đi thang máy tại tòa nhà này (Lê Vũ Hòa – Dự án).

Thiết nghĩ chờ thang 5 đến 7 phút thì cũng không có gì là ghê gớm nhưng đôi khi nó gây tâm lý khó chịu vì người Việt Nam chúng ta cũng hay kiêng, muốn đầu ngày mọi việc phải suôn sẻ thì công việc trong ngày mới tốt. Vì vậy, việc không may hôm nào cũng phải chờ thang máy vì trễ chuyến và những vấn đề liên quan đến thang máy hẳn cũng không còn là việc nhỏ nữa. Nhưng nếu biết chờ đợi và nhường nhịn, không chen lấn, mỗi người ý thức hơn một chút thì đó cũng chỉ là một việc nhỏ. Hoặc nếu muốn không bị tắc đường thang máy vào lúc 8h00 sáng và 17h30 mỗi ngày, hãy chịu khó đi sớm và về muộn hơn vài phút so với giờ cao điểm.

Có lẽ, câu chuyện nhỏ lần này cũng giống như một câu chuyện phiếm về một điều ai cũng biết nhưng chưa bức xúc đến độ khăng khăng tìm cách giải quyết. Nhưng thực ra, với bất cứ vấn đề nào, chỉ cần chúng ta nhìn nhận nghiêm túc về nó và muốn giải quyết thì vẫn luôn có một biện pháp tối ưu!

Một số quy tắc ứng xử khi đi thang máy:

· Người đứng ngoài chờ thang máy phải đứng về 2 bên cửa thang máy hoặc đứng đối diện thang máy nhưng cách xa trên 1 mét để nhường cho người bên trong ra trước.

· Nếu quan sát thấy có người cũng đang muốn vào và mang theo vật nặng, hãy giữ thang và đừng ngần ngại giúp người đó vận chuyển đồ.

· Nếu thấy thang máy chuẩn bị đóng cửa nhưng không ai giữ cửa cho mình, đừng chạy hộc tốc lại bấm thang cho kịp, hãy nói "Làm ơn giữ thang cho tôi!" hoặc “Làm ơn đợi tôi với”.

· Khi có người giữ thang chờ mình vào, đừng quên nói "Cảm ơn".

· Cố gắng tránh nói chuyện to, sử dụng điện thoại trong thang máy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét