Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Nguyên tắc khi nói chuyện



Giao tiếp bằng ngôn ngữ là phương tiện trực tiếp nhất, rõ ràng nhất để mọi người có thể hiểu nhau. Thành công trong mối quan hệ giữa người và người, trong gia đình, ngoài xã hội, thân tình hay xa lạ, công việc hay tình cảm, đều phụ thuộc phần lớn vào ngôn ngữ ứng xử của chúng ta. Để chiếm được cảm tình của mọi người và giữ vững mối thiện cảm ấy, bạn phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc như sau:

1.                 Mục đích quan trọng trước tiên của việc nói chuyện là THÔNG TIN. Nếu bạn không lưu ý đến cách nói chuyện của mình, bạn có thể tuỳ hứng nói rất nhiều, nhưng người nghe không hiểu được bao nhiêu, hoặc bạn nói quá nhiều chuyện lan man, đan xen nhau lẫn lộn giữa chuyện này với chuyện khác, nên việc đầu tiên bạn phải làm là xác định trong đầu số câu chuyện mình muốn nói (bao nhiêu nội dung), sau đó sắp xếp theo trình tự thời gian, trình tự quan trọng hoặc trình tự hợp lý, dễ hiểu (nếu các câu chuyện có liên quan) v.v...để trình bầy từng chuyện một. Sự chuẩn bị này rất cần thiết để bạn giao tiếp sau đó. Nếu bạn nói năng không rõ ràng mạch lạc, dễ hiểu, người nghe sẽ khó chịu, bực mình, đánh giá năng lực của bạn và tất nhiên rất bất lợi cho bạn trong việc chiếm cảm tình của họ sau đó.
2.                 Để đạt yêu cầu về thông tin, bạn cần phải nói từng chuyện một rõ ràng. Muốn truyền đạt một nội dung rõ ràng, ngắn gọn, đầy đủ, các bạn cần tuân theo quy tắc 6W là : WHO (ai), WHAT (cái gì), WHEN (khi nào), WHERE (ở đâu), WHY (tại sao) HOW (thế nào). 
3.                  Lưu ý các bạn rằng , điều quan trọng nhất trong thuật nói chuyện là thuật lắng nghe. Bạn nên nhớ rằng mọi người đều chú ý đến mình nhiều hơn tất cả mọi thứ trên đời và tất nhiên người ta luôn muốn nói về thứ họ quan tâm. Vì thế, tâm lý chung ai cũng thích nói về mình.  Cho nên trừ khi bạn là diễn giả thì mọi người đến nghe đều xác định là họ đến để nghe bạn nói, họ sẽ tập trung theo dõi câu chuyện của bạn. Nhưng, nếu bạn ngồi nói chuyện tay đôi với một ai đó, bạn hãy tin chắc rằng họ muốn nói về họ hoặc những điều họ đang quan tâm, đang bức xúc, cho bạn nghe, nhiều hơn muốn nghe bạn nói. Vì vậy, người nói chuyện khôn ngoan là người biết lắng nghe người đối diện một cách chân thành. Chỉ cần bạn chăm chú lắng nghe, theo dõi câu chuyện của họ, đồng cảm, chia sẻ với họ những buồn vui, bạn có thể góp ý chân tình vì sự bình an, hạnh phúc hay quyền lợi của họ trong cuộc sống. Như thế bạn đã có thể trở thành “người nói chuyện hay” được ưa thích nhất. Đó bởi vì ai cũng có lúc muốn tìm một người nào đó “biết nói chuyện” để lắng nghe những điều họ muốn nói. Điều tối kỵ trong lúc đang nói chuyện là bạn làm một cái gì đó, ví dụ như đọc báo, chơi game, làm việc v.v… Cho dù lúc ấy bạn có chú ý đến câu chuyện của họ hay không thì người nói chuyện với bạn cũng rất “không hài lòng” với thái độ ấy.
4.                 Luôn biết khen ngợi người đối diện một cách thành thật và tế nhị. Điều này tuy không dễ, nhưng khi chúng ta quan tâm đến người đang nói chuyện với mình, bao giờ ta cũng tìm ra một điều gì đó nơi họđể khen ngợi, hoặc ở ngoại hình, hoặc sức khoẻ, hoặc tài năng, hoặc phẩm chất đạo đức v.v… Những lời khen ngợi thành thật và tế nhị của chúng ta làm vui lòng người đối diện, đó là một nét văn hoá đẹp trong giao tiếp, một hành động tốt mang tính đạo đức (vì đã tặng cho người khác một niềm vui), một cách rèn luyện phẩm hạnh cá nhân (vì thật sự nhìn nhận ưu điểm của người khác là một cách bào mòn tính ganh tị trong bản năng của mỗi người). 
5.                 Vui vẻ luôn là chất dầu bôi trơn câu chuyện của mọi người. Mọi vấn đề dù căng thẳng đến đâu, nghiêm trọng thế nào, nhưng khi người ta trao đổi với nhau bằng sự cảm thông, cởi mở, tích cực và thiện chí thì câu chuyện luôn đi theo hướng tốt đẹp và mang lại hiệu quả tốt. Nếu bạn là người có năng khiếu hài hước thì điều đó thật là tuyệt vời. Bạn có thể làm cho mọi người quanh bạn trở nên vui tươi, yêu đời, hào hứng thì quả thật bạn là người vô cùng hấp dẫn và thú vị. Điều đó chẳng khác nào bạn may mắn sở hữu một kho tàng vô giá mà không phải ai muốn cũng có được. Hài hước là một năng khiếu tự nhiên, bẩm sinh và là một môn học “khó” vì nó luôn đòi hỏi sự sáng tạo trong thực tế sinh động của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta tận tình muốn “học” thì dần dần những câu nói của chúng ta sẽ mang tính hài duyên dáng.
6.                 Góp ý chân thành. Tiếng nói từ trái tim chân thành của ta sẽ khơi dậy phản ứng chân thành nơi người đối diện. Với cách nói chuyện này, ta khéo léo giữ được thiện cảm với mọi đối tượng, cho dù họ có đang là đối thủ của ta ở mặt này hay mặt khác trong xã hội. 
7.                 Không phê phán, chỉ trích bất kỳ ai nếu chỉ vì họ đi ngược lại với quan điểm hoặc ý kiến mình. Điều đó có nghĩa là mình tránh đụng chạm khi còn có thể tránh được. Các bạn cứ nghĩ rằng một câu nói mích lòng cũng giống như một vụ va chạm giao thông, nhưng hậu quả của câu nói thì rất nhiều khi chúng ta không thể nhìn thấy “tai nạn” trước mắt, nhưng tai nạn do nó gây ra thì quả thật khó lường.
8.                 Thận trọng đối với người thân và thuộc cấp. Tâm lý chung của chúng ta là, khi ra ngoài, chúng ta chú ý đến mình rất nhiều, từ ngoại hình đến ngôn ngữ, tác phong, cử chỉ. Chúng ta ngại người bên ngoài đánh giá, ngại họ không nể nang, yêu mến, kính trọng ta. Ta quan tâm đến những người mình chỉ gặp thoáng qua giây lát, từ anh tài xế taxi đến cô tiếp viên nhà hàng…ta nói năng đúng mực, xử sự đàng hoàng, không làm điều gì, nói câu gì cho họ muộn phiền bực bội.






Biên tập
Đào Thu Hương






0 nhận xét:

Đăng nhận xét