Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Nói là gieo, nghe là gặt



Trong công việc kinh doanh, chúng ta đều biết, điều quan trọng đầu tiên là phải thấu hiểu nhu cầu của khách hàng. Để làm tốt điều này, chắc chắn bạn phải biết “lắng nghe”.

Trong cuộc sống, kỹ năng nghe cũng rất quan trọng, vì nghe nhiều thì hiểu nhiều. Có câu: “Nói là gieo, nghe mới là gặt”. Nếu bạn biết cách nghe, không những bạn có thể thu hoạch nhiều điều thú vị từ những người xung quanh mà bạn còn tạo ra được hình ảnh một người biết lắng nghe, tôn trọng người khác. Nghe có hiệu quả hơn là đọc, bởi vì ai đó có thể đọc cả một cuốn sách, nhưng họ chỉ kể lại cho bạn một vài chương họ tâm đắc nhất. Có thể nói, trong bốn kỹ năng giao tiếp: Nghe – Nói - Đọc - Viết, thì Nghe là quan trọng nhất.
Vậy mà, trong toàn bộ chương trình giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, không có một tiết học nào dạy học sinh kỹ năng nghe. Có một nghịch lý trong nhà trường của chúng ta là, kỹ năng Viết được sử dụng ít nhất thì được học nhiều nhất, kỹ năng Đọc và Nói dùng nhiều hơn thì được học không đáng kể, còn kỹ năng Nghe được dùng nhiều nhất thì không được học gì cả. Vì thế nói chung, nhiều người trong chúng ta không có kỹ năng nghe một cách hiệu quả.
Nghe không hiệu quả là nghe mà không thu nhận được thông tin/ hoặc thu nhận thông tin sai. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho việc nghe không có hiệu quả như:
-         Có người giả vờ nghe.
-         Có người không tập trung nghe, vừa nghe vừa làm/ hoặc nghĩ chuyện khác.
-         Có người cho rằng mình biết rồi, không cần nghe.
-         Có người coi thường người nói, cho rằng anh ta không thông minh, chắc toàn nói chuyện nhảm nhí.
-         Có người vừa nghe vừa võ đoán.
-         Có người thích nói hơn nghe, hay cắt ngang lời người khác.
-         Có người mất kiềm chế cảm xúc khi nghe những điều trái tai.
Muốn nghe có hiệu quả, bạn cần chú ý những điểm sau:
-         Tập trung lắng nghe.
-         Giữ liên hệ với người nói bằng ánh mắt, cổ vũ người nói.
-         Kiểm soát cảm xúc của bản thân.
-         Hỏi khi chưa hiểu rõ.
-         Nghe xong hãy nói: không ngắt lời khi không thật cần thiết, không vội vàng tranh cãi, không tranh nói.
Có câu “Đi một đàng học một sàng dại, sàng đi sàng lại mới được tý khôn”. Không phải tất cả những gì bạn nghe được đều xuất sắc, nhưng nếu bạn chịu khó sàng lọc thì bao giờ cũng có những ý hay, có thể dùng được. Sau mỗi buổi nói chuyện, bạn nên nhớ lại toàn bộ nội dung, tìm ra các ý hay, có thể hỏi lại và ghi chép những thông tin cơ bản.
Kinh nghiệm cá nhân:
Trong các lần giao tiếp với khách hàng, tôi thường nói nhiều hơn nghe (thật là sai lầm!). Một lần nói chuyện với một khách hàng, tôi quyết định chỉ hỏi và lắng nghe từ đầu đến cuối. Hôm đó tôi thu hoạch được rất nhiều kiến thức, đồng thời được chính vị khách hàng này kể lại với nhiều người khác rằng “nói chuyện với cậu ấy rất thú vị”. Thế mới biết, lắng nghe là một cách tuyệt vời để tiếp chuyện với khách hàng.













0 nhận xét:

Đăng nhận xét