Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Kỹ năng & nghệ thuật nói chuyện



Con người – Sở dĩ trở thành người – bởi có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ. Xã hội con người phát triển được nhờ sự phong phú hoá của ngôn ngữ, ngôn ngữ phát triển được nhờ sự tiến hoá của xã hội. Có ngôn ngữ để trao đổi, để hiểu nhau, đó chỉ là bước khởi điểm của Ứng Dụng Ngôn Ngữ. Trong quá trình sống, con người phải luôn hoàn thiện khả năng thông tin bằng ngôn ngữ của mình để kiến tạo những bước tiến bộ chung cho nhân loại.
Trong xã hội chưa phát triển, đời sống còn đơn giản, con người chủ   yếu trao đổi với nhau những vấn đề liên quan đến đời sống vật chất; ngôn ngữ của họ không nhiều, việc thông tin cho nhau dễ đạt hiệu quả cao. Khi xã hội tiến hoá hơn, đời sống tinh thần và tư duy trong cuộc sống phức tạp hơn, tất nhiên ngôn ngữ ngày càng phong phú hơn, việc thông tin dần trở nên khó khăn, kém hiệu quả hơn, vì người ta không thể hiểu nhau một cách chính xác dễ dàng như xưa nữa. Vả chăng, xã hội phát triển, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện trao đổi thông tin đơn thuần mà nó còn mang ý nghĩa quan trọng là cầu nối tình cảm giữa người với người trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là sự thành công hay thất bại của bạn trong quan hệ với mọi người phụ thuộc một cách gần như tuyệt đối vào cách nói năng của bạn.
Vậy, khi nào cần vận dụng Kỹ Năng Nói Chuyện và khi nào cần nâng cấp nó lên thành Nghệ Thuật Nói Chuyện?
Chiêm nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy rằng khi chúng ta nói chuyện không khéo làm người nghe bực mình, khó chịu, kết quả sẽ không khác gì mấy so với một cuộc cãi nhau. Từ đó, chúng ta có thể đánh mất nhiều thứ trong cuộc sống một cách oan uổng và không đáng.
Nói cho người khác hiểu và tạo được tình cảm tốt đẹp với họ đó là Kỹ Năng Nói Chuyện. Nhưng khi bạn cần phải thuyết phục một ai đó để họ đồng tình với bạn về một điều gì, bạn cần phải có Nghệ Thuật Nói Chuyện.
Mục đích của việc nói chuyện là làm cho người khác hiểu được:
-        Nội dung mình muốn nói
-        Ý kiến công khai hoặc kín đáo (ngụ ý, ẩn ý hay “hiểu ngầm”) của mình thông qua câu chuyện.
Nếu người nghe nhận biết rõ hai mục đích trên theo đúng ý mình, vậy là mình đã thành công trong việc trình bày những điều muốn nói.   

Cần biết thêm rằng: Làm cho người khác hiểu những gì mình muốn nói chỉ là mục đích ban đầu, sau đó chúng ta tiến tới mục đích tiếp theo là làm cho người đó tiếp thu ý kiến của mình, đồng thuận với mình, hoặc cố ý để họ phản bác mình hoặc đưa ra ý kiến khác v.v…Nói tóm lại, nếu chúng ta muốn đối tượng của ta phản ứng đúng như ý muốn của mình thì ta phải có Nghệ Thuật Nói Chuyện. Chúng ta chỉ có thể làm được điều này khi ta đã thành công với Kỹ Năng Nói Chuyện.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét